Cuộc sống luôn có đôi

Là phụ nữ, ai cũng có những người đàn ông của mình.

Còn nhớ, thời sinh viên, khi đưa bức ảnh người đàn ông đó cho bạn xem, nó giật mình hoảng hốt “Trời, trông sợ thế”. Lúc đấy, trong đầu mình mới nhận ra rằng hóa ra người đàn ông mà mình vô cùng yêu thương, trân trọng có khuôn mặt rất “đáng sợ”.

Công bằng mà nói, khuôn mặt người đàn ông đó “đáng sợ” thật. Khuôn mặt của sự bệnh tật, khuôn mặt của những vết thương do chiến tranh để lại làm sao có thể lành lặn, làm sao có thể “bình thường” được? Cùng với khuôn mặt khác biệt là đôi chân tay co quắp. Chỉ có cái miệng duy nhất là hay cười. Nhưng nụ cười méo mó đâu có dễ dàng lấy được thiện cảm của người đối diện. 



Người đàn ông đó đúng là không giống với những người đàn ông khác ở mọi thứ. Trong khi những người cha ở cùng thôn xóm thường xuyên dùng roi vọt đánh trẻ con khi chúng mắc lỗi thì các con của ông lại rất hiếm khi có vết roi lằn mông. Có lẽ bởi vậy, nên chúng không bỏ học giữa chừng.

Người đàn ông đó, mới ngoài đôi mươi đã mang trên mình thương tích 80% cơ thể, tưởng như cả đời phải làm bạn với cái giường, với thuốc thang. Ấy vậy mà, những lúc cơn đau không hành hạ vẫn gắng gượng bò dậy, bám vào thành giường học đi. Kết quả là người đàn ông đó có thể chống gậy đi trong vòng 50m. Có lẽ bởi vậy, nên những đứa con có thêm nghị lực trong cuộc sống.

Sách vở là những thứ hiếm hoi trong cuộc sống người đàn ông đó. Những không vì thế mà ông quên dạy các con về tri thức. Tri thức ở đâu khi xung quanh chỉ có bờ tre và con mương nhỏ này? Có đấy, nhiều lắm, sự kiên nhẫn từ loài kiến, bài học chăm chỉ của chú cò trắng, hãy lột xác như loài rắn, sau cơn mưa trời lại sáng,…
…..
Mặc dù vậy, nhưng cũng có rất nhiều thứ mà người đàn ông này không thể mang đến cho các con của mình được.
Các con của ông muốn ông sống đến 60 tuổi. Nhưng ông đã không làm được việc đó.
Các con của ông muốn ông được sống trong căn nhà khang trang, không có gió lùa. Nhưng ông đã không làm được việc đó.
Các con của ông muốn đưa ông đi du lịch. Nhưng ông đã không làm được việc đó…
Chỉ vì một lý do đơn giản, ông không còn thời gian…
Đã hơn 5 năm, người đàn ông đó về với đất mẹ. Cái ngày biệt ly đó vẫn luôn là vết cắt xé lòng mỗi khi nhớ lại.

……
Mới đây thôi, có 1 chuyện đến từ cô con gái 3 tuổi. Bé thình thoảng nói chuyện điện thoại với ông nội, bà nội, bà ngoại. Một hôm bé hỏi: “Mẹ ơi, thế ông ngoại đâu ạ?”. Có thoáng giật mình vì nào có ai nhắc đến từ ông ngoại trước mặt nó đâu mà nó lại hỏi. Nhưng chợt nhận ra một điều mà bấy lâu nay thường bỏ qua. Thì ra là vậy, với con người, bản năng từ bé đã nhắc nhỏ rằng “Cuộc sống luôn có đôi”. Sự băn khoăn của bé rồi cũng nhanh chóng qua đi. Nhưng sự cô đơn của bà ngoại bé quả là không dễ xóa đi ngày một ngày hai. Người phụ nữ đó, cả đời không dám bước lên xe khách vì sợ say xe, và nếu có đứa con nào tặng hoa 8/3 sẽ mắc cỡ mà nói rằng “Hoa với chả hoét”. Người phụ nữ đó chỉ có một mong muốn tột cùng là các con thường xuyên gọi điện về hoặc luôn trong tâm thế nuôi sẵn gà, vịt, ngan… để khi các con về làm thật nhiều món đồng quê thết đãi các con.

Cả người đàn ông và người phụ nữ đó, dù có đi hết cuộc đời này, chúng ta vẫn luôn mắc nợ họ.

0 comments: